Sáng 28/11, Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam” đã được Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT), Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và Đại sứ quán Israel phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Nội dung của hội thảo tập trung vào hai vấn đề chính: Xu hướng sản xuất, tiêu dùng sữa, đặc biệt là sữa tươi trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam; Việc ứng công nghệ cao trong nông nghiệp và trong chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.
Tại hội thảo đã có nhiều tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế về các vấn đề còn tồn tại của ngành sữa Việt Nam so với thế giới, nhất là việc nhập siêu do thiếu nguyên liệu sữa tươi. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT năm 2012, tổng đàn bò của Việt Nam đạt 166,99 ngàn con và trên 120 ngàn con đang nuôi chủ yếu tại nông hộ gia đình, với quy mô 5 – 7 con, năng suất sữa thấp và tận dụng các sản phẩm phụ trong trồng trọt là chính, do đó chất lượng sữa nguyên liệu cũng chưa đảm bảo.
Ngoài ra, Việt Nam còn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất sữa. Hiện, Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới với khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại mỗi năm.
Đặc biệt, thông tin trên sản phẩm sữa còn mập mờ, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận thông tin về ngành sữa, kiến thức phổ cập về các loại sản phẩm sữa còn hạn chế, không minh bạch, không công khai. Chất lượng sữa chưa đảm bảo cũng dẫn đến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm sữa nội, chuyển sang dùng sữa ngoại, gây tổn thất cho ngành sữa Việt Nam.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn phát biểu tại hội thảo
Trước thực trạng ngành sữa Việt Nam, các chuyên gia quốc tế cũng như các nhà quản lý trong nước đã nhận định con đường tạo ra sự thúc đẩy nhanh chóng phát triển bền vững ngành sữa và chăn nuôi bò sữa Việt Nam chính là ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và sản xuất sữa tươi chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Công Tạn (Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ): “ngành công nghiệp sữa là một ngành cần vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi cao và khắt khe về công nghệ chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Còn TS. Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT) khẳng định: “trong chăn nuôi bò sữa, ứng dụng công nghệ cao chính là một cú huých lớn, là đòn bẩy cho sự phát triển bứt phá của ngành cả về chất lượng và sản lượng, và đó cũng là bài học từ các nước đã phát triển, đi trước chúng ta như Israel…”
Và “Dự án sản xuất sữa tươi sạch TH true MILK của tập đoàn TH là một mô hình điển hình cho cuộc cách mạng chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa và cần được nhà nước hỗ trợ cơ chế chính sách để phát triển nhân rộng trên toàn quốc”.
Bình luận của bạn